Notes on Kyoto and Japan

 Phủ nhận tinh thần sinh ra sùng bái vật lượng và tín ngưỡng số lượng


Ảnh: Douglas MacArthur trên bìa tạp chí TIME Aug. 27, 1945
Một điều nữa là, do sự cổ súy ý thức về giá trị của nền văn minh vật chất, đồng thời phủ nhận những giá trị tinh thần như thần thoại Nhật Bản hoặc “hồn Yamato”, đã đưa Nhật Bản tới sự sùng bái vật lượng và tín ngưỡng số lượng một cách kỳ lạ. Chẳng hạn, thứ bậc công ty được xếp đặt theo quy mô kinh doanh lớn hay nhỏ, công ty vừa và nhỏ mặc dầu có truyền thống và kỹ thuật tiên tiến đến đâu cũng không được kính trọng.

Xưa kia, chủ nhân những công ty vừa và nhỏ cũng được giới kinh tài kính trọng. Nhưng nay, những nhà kinh doanh với doanh thu khoảng 100 tỷ Yen (khoảng non 1 tỷ đôla không còn lọt vào ghế Hội trưởng Phòng thương công Tokyo hoặc Osaka, hoặc Keidanren nữa.

Ở ngoại quốc, như ở Ðức, người ta thấy Hội trưởng liên hiệp công nghiệp Ðức (tương đương với Keidanren Nhật Bản) là những người như chủ công ty gọng kính Rosenstock hay giám đốc công ty dao kéo Henkel. Công ty nào cũng chỉ có số doanh thu khoảng từ 1 đến 2 tỷ đôla nghĩa là, người ta coi trọng truyền thống và kỹ thuật được người đời biết đến, cũng như nhân cách của nhà kinh doanh, hơn là quy mô kinh doanh của công ty.

Nhưng ở Nhật Bản, thì tất cả đều là số lượng. Thậm chí, tranh vẽ cũng tính giá bằng kích cỡ, bằng cân nặng. Số lượng đã thấm sâu vào xã hội, khiến nẩy sinh ra tư tưởng coi trọng kinh tế, sùng bái tiền bạc.

Xem như vậy đủ thấy sự phủ nhận tinh thần đã đi quá trớn. Có lẽ MacArthur không biết rằng Nhật Bản là nước không có tôn giáo theo đúng nghĩa của tôn giáo. Thái tử Shotoku, quan niệm tôn giáo của Nhật Bản là “hay đâu âu đấy”. Trong bối cảnh như vậy, sự phủ nhận truyện thần thoại, bác bỏ tính duy tâm đã khiến Nhật Bản có chủ nghĩa duy vật thật là quái dị.

Là quân nhân đồng thời là nhà chính trị

MacArthur là quân nhân, đồng thời lại là nhà chính trị. Là quân nhân, ông đã hoạt động trong ba lần chiến tranh: chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Triều Tiên. Ðối với một quân nhân Mỹ, như vậy ông đã ra trận khá nhiều lần. Không những thế, khi ở Philippines ông đã chuẩn bị bản hiến pháp để xây dựng một nhà nước mới. Ở Nhật Bản, ông đã lấn sâu rộng vào chính sách chiếm đóng. Như vậy, ông là nhân vật rất chú trọng tới vấn đề chính trị. Hơn hết tất cả, ông là người tự tôn tự đại, có ý thức êlít mãnh liệt.

Nhất là những cải cách của ông trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản, phải coi là của một chính trị gia, hơn là của một quân nhân. Mà là một chính trị gia độc tài, chứ không phải kiểu chính trị gia được quần chúng nhân dân ủng hộ, hay kiểu chính trị gia đấu tranh phe phái.

Thông thường, một nhà chính trị phải vận động chiếm được sự ủng hộ của người khác, đoạt được phiếu trong tuyển cử hay trong nghị viện. Nhưng MacArthur thì có sức mạnh quân sự nước ngoài ở sau lưng. Vì thế, ông bất chấp các chính trị gia khác, không cần thỏa hiệp với quan chức, mà chỉ cần ra lệnh là được. Nói cách khác, ông chỉ cần làm chính trị kiểu đế vương.

Năm 1952, MacArthur đã định ra tranh cử tổng thống Mỹ với tư cách ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa, nhưng không được. Lúc đó, người được chọn làm ứng viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa rồi đắc cử tổng thống, là Nguyên soái Eisenhower, tổng chỉ huy mặt trận u châu, thuộc lớp đàn em của ông trong hàng ngũ quân nhân lục quân. Xem như vậy đủ thấy MacArthur không phải là nhà chính trị quyền mưu thuật số, không phải là một người khôn khéo trong vấn đề vận động nghị viện.

Thế nhưng, trong khi làm chính trị ở Nhật Bản, ông đã tỏ ra thích phô trương và khéo léo. Ðồng thời, để cho người Nhật hiểu ông là một người Mỹ hào hoa, ông đã diễn xuất rất tinh vi. Chẳng hạn, nếu xem bức hình chụp cuộc hội kiến giữa ông và Thiên hoàng Nhật Bản, người ta thấy Thiên hoàng mặc bộ lễ phục đuôi én, trong khi ông mặc áo sơmi trần.

Muốn cho thấy Thiên hoàng chỉ là người thường chứ không phải thần thánh, thì đây quả là một hành vi có hiệu quả. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, ông có thể từ từ phản công đánh từ phía nam lên một cách ăn chắc, nhưng ông đã không làm như vậy. Ông đã dám cho đổ bộ lên Inchong, gần Seoul, một diễn xuất có tính chất kịch bản. Nói chung, ông rất khéo diễn xuất.

Cũng may cho ông là ông đã thành công phần lớn nhờ vào “lượng vật chất” phong phú một cách áp đảo của Mỹ.

Trong dòng lịch sử Nhật Bản, đột nhiên xuất hiện nhân vật thống trị MacArthur từ nước ngoài đến, một người chưa có hiểu biết chính xác về Nhật Bản, nhưng đã ôm một giấc mơ muốn biến Nhật Bản thành một nước Mỹ lý tưởng. Những ý đồ của MacArthur có cái đã thành công mỹ mãn, có cái đã đi quá trớn. Nhưng tựu trung, chúng đã để lại ảnh hưởng mãnh liệt trong xã hội Nhật Bản ngày nay.

“Thể chế năm 55”, một hình thức tu chính để triệt tiêu những ý đồ của MacArthur, nay đã băng hoại, nên bây giờ là lúc cần xét xem phần nào đáng nhân rộng ra, phần nào phải cắt bỏ đi.

Phần 2: Ðoạt lại Philippines rồi chiếm đóng Nhật Bản
Phần 3:“Nước Mỹ lý tưởng” hay Thuỵ Sĩ Viễn Đông
Phần 4: Du nhập nền luân lý coi trọng bình đẳng và an toàn
Phần 5: Chủ nghĩa dân chủ đầu phiếu và nền tự trị địa phương
Phần 6: Sinh ra nguyên nhân băng hoại chế độ gia tộc
| Designed by Colorlib