Notes on Kyoto and Japan

 Sinh ra nguyên nhân băng hoại chế độ gia tộc

Ảnh: Người Nhật ủng hộ McArthur trong cuộc tranh cử TT Mỹ năm 1948

Xét về mặt xã hội, việc tạo ra giới tiểu nông đã có lợi cho ý đồ của MacArthur. Ðó là sự giải thể chế độ gia tộc. Nhờ cải cách ruộng đất, cha mẹ ở lại nông thôn, còn con cái sau khi tốt nghiệp trung học, liền bỏ ra thành thị làm công nhân. Sự kiện này chia rẽ nơi cư trú của cha mẹ và con cái, và làm “hạt nhân hóa” gia đình.

Chính sách cải cách ruộng đất của MacArthur nhằm mục đích phân tán lực lượng lao động về nông thôn làm cho Nhật Bản không thể trở thành nước công nghiệp lớn được. Từ cuộc chiến tranh Triều Tiên trở về trước, Mỹ đã áp dụng chính sách này.

Thế nhưng kết quả là chỉ có lớp người trung và cao niên ở lại nông thôn, còn lớp trẻ mới tốt nghiệp thì ra thành thị làm công nhân, ở ký túc xá của xí nghiệp, và vì không phải nuôi gia đình nên sẵn sàng làm công với đồng lương thấp. Nghĩa là một tình trạng ngược lại với ý đồ của MacArthur đã xảy ra.

Một mặt, MacArthur cho rằng chế độ cha anh làm cốt lõi gia tộc, chính là nguyên mẫu của quốc gia dân tộc chủ nghĩa lấy Thiên hoàng làm đầu. Vì thế, muốn phá bỏ chủ nghĩa quốc gia dân tộc và chế độ Thiên hoàng, trước hết phải đập bỏ chủ nghĩa gia tộc theo chế độ cha anh làm trưởng tộc. Ðây chính là căn nguyên của xã hội phong kiến Nhật Bản, ở đó người ta có thể tấn công tự sát nếu được Thiên hoàng xuống chiếu ra lệnh. Nghĩa là, ông đã áp dụng thuyết về “chế độ chuyên chế châu Á” của những nhà xã hội học cũ như Wittfogel vào trường hợp Nhật Bản. MacArthur cho rằng nếu phá bỏ được chế độ này, Nhật Bản sẽ trở thành một nước hòa bình dân chủ. Thực tế là sự đập bỏ chế độ gia tộc đã sinh ra rất nhiều “người xí nghiệp”, giúp thực hiện được sự sản xuất đại trà theo quy cách.

Nói tóm lại, sự cải cách Nhật Bản của MacArthur là thay đổi quan niệm luân lý và ý thức thẩm mỹ, sửa đổi chế độ gia tộc và cơ cấu địa phương, đảo lộn tất cả giai tầng xã hội đi. Nhưng, ông đã không đả phá được thể chế quan liêu chỉ đạo, mà ngược lại đã giúp cho Nhật Bản thực hiện được giấc mơ từ thời Minh Trị là hình thành một xã hội công nghiệp hiện đại với sản xuất đại trà theo quy cách.

Sự phủ nhận chủ nghĩa tinh thần đã biến người Nhật thành “người xí nghiệp”, thành “súc vật kinh tế”.

Cải cách luân lý và ý thức thẩm mỹ

Ở Nhật Bản ngày nay, ảnh hưởng quan trọng nhất do MacArthur để lại, là cải cách luân lý và ý thức thẩm mỹ. Ba điều được coi như đúng tuyệt đối là “năng suất”, “bình đẳng” và “an toàn”. So với bất cứ nước nào khác trên thế giới, Nhật Bản coi ba điều này là “chính nghĩa” một cách triệt để hơn hết. Tuy nhiên, cái “bình đẳng” ở đây không phải là “bình đẳng về cơ hội” của cách mạng Pháp hay nói trong bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ.

Bình đẳng về cơ hội” là “bình đẳng trước pháp luật”. Ai cũng được dự kỳ thi tuyển sinh, ai cũng được ứng cử, ai muốn làm nghề gì cũng được.

Nhưng, dự kỳ thi tuyển sinh thì phải có người đậu, kẻ rớt. Cùng làm một nghề thì cũng có người thành công, kẻ thất bại. Cùng có quyền trở thành cầu thủ bóng chày, nhưng có người thành siêu sao, có kẻ không thành gì cả. “Bình đẳng về cơ hội” đã sinh ra “bất bình đẳng về kết quả”. Ðể làm nhẹ bớt “kết quả bất bình đẳng”, chế độ đánh thuế lũy tiến đã được áp dụng vào những “người thành công về kết quả” và những “người thất bại về kết quả” thì được săn sóc tận tình bằng chính sách phúc lợi xã hội. Nghĩa là sự khác sai về kết quả cần phải được tu chính.

Nhưng, chủ nghĩa dân chủ Nhật Bản thời hậu chiến lại coi ưu tiên sự “bình đẳng về kết quả” hơn là “bình đẳng về cơ hội”. Vì coi trọng sự “bình đẳng về kết quả”, nên người ta đã kiềm chế “bình đẳng về cơ hội”. Không phải dùng thuế lũy tiến hay phúc lợi xã hội để tu chính sự “bất bình đẳng về cơ hội”, mà người ta đã hạn chế “bình đẳng về cơ hội” để tạo ra “bình đẳng về kết quả” bằng chủ nghĩa quan chức quan liêu thống suất.

Hiến pháp Nhật Bản do MacArthur để lại, bảo đảm quyền “tự do nghề nghiệp”, nhưng lại hạn chế sự vào nghề của người mới. Ví dụ, mở hiệu thuốc thì tự do nhưng sự thật là bị hạn chế bởi chế độ đăng ký. Trường hợp cây xăng cũng tương tự.

Như nói ở chương trước, trong “bình đẳng về kết quả”, thì “bình đẳng chiều dọc” được coi trọng ở Nhật Bản hơn là “bình đẳng chiều ngang”. Nhật Bản ngày nay là nước đã thực hiện được sự “bình đẳng chiều ngang” nhất thế giới. Người ta nói, muốn biết sự bình đẳng kinh tế đã đạt được hay chưa, thì không gì thích đáng bằng so sánh “thu nhập năm giai đoạn”. Ðó là sự cách xa giữa thu nhập của một phần năm số người có thu nhập cao nhất so với một phần năm số người có thu nhập thấp nhất. Con số này ở Nhật Bản là 2,9, ở Mỹ là 9,4, ở u châu ít nhất là Ðức cũng là 6,0 còn các nước khác đều hơn 10. Ở các nước đang phát triển, con số này còn lớn hơn nhiều.

Còn “bình đẳng chiều dọc” thì bây giờ chỉ còn là vấn đề luân lý cá biệt của Nhật Bản thôi. Trong cái “bình đẳng” do MacArthur cổ súy, cũng có phần nào cái khái niệm “bình đẳng chiều dọc” từ thời mạc phủ Tokugawa. Biểu hiện của điều này là chế độ sống lâu lên lão làng. Ví dụ, cùng tốt nghiệp đại học rồi cùng vào làm công ty, nếu hai mươi năm sau mỗi người đều lên tới hàng trưởng phòng, thì như vậy là có “bình đẳng chiều dọc”.

Nông gia trồng lúa từ hai mươi năm trước, thì sau này vẫn nên tiếp tục trồng lúa. Bởi vậy để duy trì tình trạng này, phải bảo hộ những nhà nông như vậy. Người bán lẻ bây giờ cũng vậy, cũng nên tiếp
tục bán lẻ hai mươi năm sau. Vì thế, đã có đạo luật hạn chế những nhà hàng bán lẻ quy mô lớn (siêu thị). Nhưng, nếu nhấn mạnh vào sự “bình đẳng chiều dọc”, thì sức lao động trở thành cứng ngắc. Thế nhưng, nếu thế hệ đổi mới, mọi thứ đều đổi hết. Ví dụ, đời cha làm ruộng, nhưng người kế nghiệp làm ruộng không nhất thiết phải là con. Cha kinh doanh tiệm bán lẻ, nhưng con không kế nghiệp cha. Nghĩa là, những người cùng thế hệ còn làm việc với nhau thì cấu tạo công ăn việc làm không thay đổi lắm, nhưng khi thế hệ mới xuất hiện thì cấu tạo ấy thay đổi hẳn đi.

Tư tưởng “bình đẳng” mà MacArthur đem vào đã đẻ ra một thứ “bình đẳng không có tự do” khác hẳn với ý đồ của ông. Về “an toàn”, thì Nhật Bản đã đi quá xa so với ý đồ của MacArthur. Ông cho rằng Nhật Bản đã đẻ ra “đội đặc công quyết tử” thì Nhật Bản hẳn là “dân tộc không sợ chết”, không nghĩ gì tới an toàn cả. Vì thế, MacArthur đã đặt nặng vấn
đề an toàn, cổ súy chủ nghĩa bình đẳng, ý thức vệ sinh và xã hội không sự cố, không tai nạn.

Thế nhưng, Nhật Bản đã đưa những việc này lên tới mức cực đoan. Ngày nay,người Nhật quan niệm rằng, chiến tranh là xấu tuyệt đối bất kể lý do là gì, hòa bình là tốt tuyệt đối. Vì thế, dù chỉ là gửi quân tham gia hoạt động hậu phương trong chiến tranh vùng Vịnh, hay tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưnglập tức có đông người phản đối như một phản xạ tự nhiên.

Ý thức vệ sinh cũng trở nên cực đoan. Chẳng hạn, học trò tiểu học chơi ở bãi cát sợ bẩn tay nên đeo bao tay, quần áo hàng hiệu sợ vấy bẩn nên không chơi ở sân trường, v.v..

Thế rồi, để cho sự cố khỏi xảy ra, quan liêu đã tăng cường tiêu chuẩn quy cách, khắt khe hóa quy chế. Do đó, khi quan chức (chuyên viên) nói “không chừng có thể có sự cố” thì quy chế khắt khe nào cũng thông qua được. Những sự việc như vậy đã làm tăng quyền hạn của quan chức quan liêu trong thập niên 1980, và để công tác quản lý dễ dàng, quy chế và hạn chế độ được tăng cường vô tội vạ.

Như đã viết, những vụ việc, như vụ động đất lớn Hanshin-Awaji, vụ ngộ độc vi khuẩn O157, vụ khủng hoảng hệ thống lưu thông tiền tệ, v.v., đã cho thấy rõ quy chế tuy khắt khe mà thực chất tính an toàn lại đạt được rất thấp.
Còn nữa….
Phần 2: Ðoạt lại Philippines rồi chiếm đóng Nhật Bản
Phần 3:“Nước Mỹ lý tưởng” hay Thuỵ Sĩ Viễn Đông
Phần 4: Du nhập nền luân lý coi trọng bình đẳng và an toàn
Phần 5: Chủ nghĩa dân chủ đầu phiếu và nền tự trị địa phương

| Designed by Colorlib