Notes on Kyoto and Japan

 Ðoạt lại Philippines rồi chiếm đóng Nhật Bản

Cùng với sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc, phong trào đòi độc lập ở Philippines cũng dâng cao. Năm 1935, Douglas MacArthur trở thành quân nhân dự bị và được cử làm cố vấn quân sự xây dựng quân đội quốc gia Philippines.

Ảnh: McArthur ở Pháp năm 1918.

Cha đã làm tổng tư lệnh bộ đội Mỹ đồn trú ở đó, nay lại đến lượt MacArthur theo sự cam kết của tổng thống Roosevelt là sẽ trao trả độc lập cho Philippines, nên MacArthur đã được cử tới làm cố vấn quân sự, để xây dựng quân đội mới cho nước sắp độc lập này. Nhưng lần này, khác với MacArthur cha, MacArthur con hẳn không lấy làm phấn khởi bằng.

Với tư cách cố vấn sáng lập quân đội Philippines, Douglas MacArthur đã tham gia vào sự soạn thảo hiến pháp Philippines và đã chuẩn bị nhiều phương án cùng một lúc. Việc soạn thảo hiến pháp này của ông đã có sự liên hệ tới bàn thảo hiến pháp Nhật Bản. Nghĩa là, cái lý tưởng mà MacArthur ôm ấp đã có một sự liên tục nhất quán.

Sau khi hoàn thành xong vai trò cố vấn quân sự ở Philippines, ông đã giải ngũ. Nhưng tháng 7 năm 1941 (niên hiệu Showa thứ 16), trước tình trạng Nhật Bản và Mỹ sắp giao chiến, ông đã trở lại quân ngũ và nhậm chức tư lệnh lục quân Mỹ tại Viễn đông, đóng tại Philippines.

Là quân nhân Mỹ, MacArthur quả đã có duyên với vùng Viễn đông. Thế rồi, năm tháng sau thì trận Chiến tranh Thái bình dương nổ ra. Năm tháng sau nữa, trước sức tấn công mãnh liệt của quân đội Nhật, ông đã rút lui qua đảo Mindanao, sang tới Australia. Lúc đó, ông đã phát ra lời nói đầu tiên “I shall return (Tôi quyết sẽ trở lại)” nay đã trở thành danh ngôn. Lời này hình như ông đã nói ra khi đặt chân tới Australia chứ không phải khi rời khỏi Philippines.

Khi tình huống chiến tranh trở bề có lợi cho Mỹ, MacArthur bèn mở cuộc phản công mãnh liệt. Lúc đó Mỹ có hai phương án phản công. Một do đại tướng hải quân (đề đốc) Chester William Nimitz (sau thăng Nguyên soái) vạch ra, gồm tiến quân từ nhóm đảo Mariana lên chiếm đảo Iojima để tới Nhật Bản. Phương án này gọi là “cuộc tiến công kiểu những tảng đá dẫm chân”. Nghĩa là không đánh trên bộ nhiều, mà chỉ chiếm đoạt các hòn đảo để lập căn cứ không quân, rồi từ đó triển khai hàng không mẫu hạm ra phong tỏa từ ngoài biển, làm tiêu hao chiến lực của Nhật Bản đi.

Phương án thứ hai do đại tướng lục quân Douglas MacArthur vạch ra. Ông này nôn nóng chiếm lại Philippines, trù liệu tiến công từ Australia lên phía bắc, trước hết chiếm Tân Guinea, rồi từ Nam Thái bình dương đánh sang đảo Leyte, từ đó đoạt lại toàn lãnh thổ Philippines, rồi đánh qua Ðài Loan, Okinawa và từ đó đánh vào nội địa Nhật Bản. Nghĩa là ông chủ trương chiếm đoạt một vùng đất rộng lớn.

Nếu chỉ xét về mục đích của vấn đề là đánh thắng Nhật Bản, thì phương án của đề đốc Nimitz tỏ ra rất có hiệu quả, vì chi phí thấp mà vẫn thắng được. Nhưng, xét về chính trị, thì phương án của đại tướng MacArthur theo đó lần lần giải phóng từ Tân Guinea, tới Philippines, Ðài Loan, có hiệu quả lớn làm sáng tỏ chính nghĩa của trận chiến. Cứ xem cách đánh trận, ta đủ thấy cái ý đồ chính trị sâu xa của MacArthur.

Quân đội Mỹ rút cục đã áp dụng cả hai phương án, một mặt điều động hải quân phong tỏa Nhật Bản, một mặt điều lục quân đánh chiếm Philippines và Okinawa. Trong khi tiến hành chiến dịch này thì năm 1944, đại tướng MacArthur được thăng lên nguyên soái (tướng 5 sao).

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng. Tức khắc, Nguyên soái MacArthur được phong Tổng tư lệnh quân đội của Liên hợp quốc chiếm đóng Nhật Bản. Ông bay ngay tới Nhật Bản. Máy bay quân đội chiếm đóng hạ cánh xuống căn cứ không quân Atsugi lần đó là ngày 30 tháng 8. Lập tức, đại bản doanh được đặt ở Sở quan thuế Yokohama (sau này chuyển tới tòa nhà Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi, ở bên bờ hào Hoàng cung Tokyo). Sự chiếm đóng Nhật Bản thực chất bắt đầu từ ngày đó. Ngày 2 tháng 9, lễ ký kết Văn kiện Ðầu hàng đã diễn ra trên chiến hạm Missouri, để hợp thức hóa việc chiếm đóng này.

MacArthur để lại ảnh hưởng lớn tại Nhật Bản, dĩ nhiên là vì ông đã đánh bại Nhật Bản, nhưng hơn thế nữa, chính vì chính sách ông đã thực thi trong sáu năm chiếm đóng Nhật Bản.

Năm 1950, cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. MacArthur liền nhậm chức tổng tư lệnh quân đội Liên hợp quốc với quân đội Mỹ làm nòng cốt. Lúc ấy, ngoài cương vị tổng tư lệnh quân đội, MacArthur còn đối phó với mỗi sự việc bằng chủ trương chính trị của mình nữa. Ðiều này đã để lại ảnh hưởng trọng đại đối với tương lai của Nhật Bản.

Trong chiến tranh Triều Tiên, lúc đầu, miền Nam tức là Hàn Quốc đại bại. Sư đoàn 24 Mỹ đóng tại Nhật Bản liền tới cứu viện. Nhưng gặp phải sức mạnh của đoàn chiến xa hạng nặng của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Sư đoàn 24 hầu như bị tiêu diệt. Trung tướng sư đoàn trưởng Dean bị bắt làm tù binh. Liên quân Mỹ - Hàn bị dồn tới đường cùng ở “Ðầu cầu Pusan (Phẫu Sơn)”, tưởng như sắp bị quét xuống biển.

Nhưng, được tăng viện bởi Lộ quân 1, MacArthur liền triển khai một chiến dịch hào nhoáng. Ông cho đổ bộ lên Inchong (Nhân Xuyên) rồi cùng với lộ quân thứ 8 ở Ðầu cầu Pusan, đánh gọng kìm phá được đối phương. Cách đánh này chứng tỏ đường lối diễn xuất nhằm hiệu quả chính trị của MacArthur.

Mùa Thu năm 1950, khi liên quân Mỹ - Hàn dưới quyền chỉ huy của MacArthur đánh lần tới biên giới Trung Quốc ở phía bắc, thì một sự đảo ngược lại diễn ra. Tháng 11 năm đó, ông công bố quan điểm lạc quan rằng: “Cho đến lễ Giáng sinh, sẽ cho hai sư đoàn về nước”, chủ quan coi là “Ðến lễ Giáng sinh sẽ thắng”.

Nhưng, quân tình nguyện Trung Quốc đã ồ ạt kéo vào bán đảo Triều Tiên qua sông Áp Lục Giang, lúc đó mùa đông nên đóng băng cứng, đã phản kích mãnh liệt, khiến liên quân Mỹ Hàn bị thiệt hại nặng nề, phải bỏ chạy. Ðến nỗi Thượng tướng Walker chỉ huy Lộ quân thứ 8 bị tử trận, quân tướng và vũ khí khí tài của Mỹ bị mất gần hết.

Rơi vào cùng địa, MacArthur chủ trương oanh kích miền Bắc Trung Quốc, nhưng tổng thống Mỹ Truman lúc đó không muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, nên đã quyết định giải nhiệm Nguyên soái MacArthur. Nguyên soái MacArthur bị giải nhiệm năm 1951, trở về tổ quốc. Lúc đó, tuổi đã ngoài 70, diễn thuyết trước Quốc hội Mỹ, ông đã để lại danh ngôn “Old soldiers just fade away (Lính già chỉ còn nước biến đi thôi)”, rồi giải ngũ và từ quan. Có một thời gian, ông đã giữ chức Tổng giám đốc Công ty Remington. Cuối đời, ông ở khách sạn Vip Walt Astoria ở New York, vẫn duy trì lối sống hào hoa của mình. Năm 1964, ông mất ở tuổi 84.

| Designed by Colorlib