Notes on Kyoto and Japan

 Du nhập nền luân lý coi trọng bình đẳng và an toàn

Về cải cách ý thức xã hội, MacArthur coi Nhật Bản là xã hội phong kiến cổ hủ, nên phải quảng bá sự “bình đẳng”. Sự bình đẳng nam nữ, xúc tiến tổ chức công đoàn, giải phóng đất nông nghiệp, v.v., đều là hướng tới mục đích đó. Cho tới cuộc chiến tranh Triều Tiên, thì thật sự ông đã ủng hộ phong trào lao động cánh tả. Việc này một phần cũng chịu ảnh hưởng của phái chủ trương chính sách “New Deal” dưới thời Tổng thống Roosevelt.


Ảnh: McArthur và Nhật hoàng Hirohito
Ông cũng nghĩ rằng muốn thực hiện bình đẳng thì phải phế bỏ chế độ đại gia tộc truyền thống của Nhật Bản. Nguyên soái MacArthur cùng nhóm cộng sự của ông cho rằng chế độ đại gia tộc của Nhật Bản chính là chế độ giai cấp gò bó dưới quyền gia trưởng, dòng trưởng, và chính thể chế thiên hoàng đã làm cho chế độ đại gia tộc đó bành trướng ra khắp nước Nhật thời tiền chiến.

Vì vậy, không những ông chủ trương phải bỏ chế độ đó, ông còn coi trọng sự bình đẳng nam nữ, đồng thời áp dụng chính sách bài xích “trật tự già trẻ”.

Thứ hai, ông dạy cái lẽ phải của sự “an toàn”. Trước nhất, an toàn tức là “hòa bình”. Không có gì nguy hiểm hơn là chiến tranh. Vì thế, ông đã tôn dương sự chối bỏ chiến tranh, coi mỗi hình thức chiến tranh đều là xấu hết. Thêm vào đó, ông triệt để phủ nhận bạo lực và vũ lực, thậm chí nghiêm cấm không cho thày giáo hay cha mẹ dùng “roi vọt yêu”.

Thứ hai, an toàn là “sức khỏe”. Trong nền hành chính và giáo dục thời hậu chiến, sức khỏe được chú trọng đặc biệt, sâu bọ và ký sinh trùng được nỗ lực khu trừ triệt để. Thời nay, người ta mới coi phương pháp canh nông bằng phân hữu cơ là tốt, chứ thời kỳ ngay sau chiến tranh, tới 70 phần trăm người Nhật có ký sinh trùng, cho nên thời đó phân hữu cơ bị coi là không có gì xấu bằng, lại dơ bẩn nữa. Người ta quan niệm nông nghiệp hiện đại phải dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Nghĩa là toàn nước Nhật đã được truyền bá ý thức vệ sinh như vậy. Ðây là cái ý nghĩ của quân đội Mỹ thời đó đối với tình hình vệ sinh của Nhật Bản. Thậm chí, người ta đã loan tin rằng rau Nhật Bản dơ bẩn, chớ có ăn.

Ngày nay, nhìn vào người Mỹ thường, người ta khó có cảm tưởng là họ quá bận tâm đến vệ sinh như vậy, nhưng quân nhân Mỹ chiếm đóng Nhật Bản đã đòi hỏi sự sạch sẽ hơn cả thực tế. Cũng có lẽ sự nhấn mạnh vào vấn đề vệ sinh, là họ muốn nói rằng Nhật Bản dơ bẩn nên phải coi chừng, đồng thời muốn phô trương rằng người Mỹ sạch sẽ như vầy kia.

Thứ ba, an toàn là “phòng chống sự cố, tai nạn”. Sự nhấn mạnh vào vấn đề an toàn để phòng chống tai nạn lao động, cũng đã có ảnh hưởng tới luật về tiêu chuẩn kiến trúc, luật phòng cháy chữa cháy, đồng thời đã đóng góp vào sự hình thành xã hội quy chế và tình trạng giá cả cao của Nhật Bản ngày nay.

Sự du nhập tư tưởng luân lý coi trọng an toàn của MacArthur đã để lại ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội Nhật Bản, khiến Nhật Bản không những đã chối bỏ chiến tranh, mà còn phủ nhận mọi hình thức bạo lực khác.

Về văn hóa thì tuyên truyền văn hóa Mỹ là tối cao không phải đắn đo một hai gì cả. Hơn nữa, tượng trưng cho văn hóa Mỹ được tuyên truyền là “3 S”, tức là screen (điện ảnh), sports (thể thao) và sex (tính dục).

MacArthur còn lợi dụng giáo dục học đường để phổ cập văn hóa Mỹ. Trong chế độ 6-3, [5] ông đã cho vào đó hoạt động gọi là phòng Homeroom [6] và hội phụ huynh - thày cô (PTA: Parent Teacher Association).

Tuy nhiên, về giáo dục, hẳn đã có nhiều điều không được như MacArthur muốn. Ðây là vì ông đã duy trì chế độ giáo dục sơ đẳng (tiểu học) công lập và chế độ phân chia học sinh theo khu vực như các “trường quốc dân” cũ, trong đó đặt nặng vấn đề giáo dục đại trà và hủy diệt cá tính cá nhân.

Xem ra các cộng sự viên của MacArthur đã bỏ sót không thấy tinh thần hiếu học của người Nhật ngay từ thời mạc phủ Tokugawa. Chính MacArthur đã nhìn nhận và kinh ngạc: “Trẻ em trai gái Nhật đánh giầy cũng đọc báo”.

Cuối cùng, MacArthur đã cố tình phủ nhận chủ nghĩa tinh thần Nhật Bản, để cho Nhật Bản không trở lại chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa đế quốc nữa. Việc này, về một khía cạnh, là một “dòng chảy của sự hiện đại hóa”.

Chủ nghĩa hiện đại là coi trọng tính khách quan và văn minh vật chất. Ở Tây Âu, chủ nghĩa tinh thần thời Trung cổ đưa tới sự tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của tôn giáo. MacArthur đã nhân danh “hiện đại hóa” phủ nhận chủ nghĩa duy tâm, và tìm cách gieo trồng chủ nghĩa duy vật vào Nhật Bản. Ðể làm cho Nhật Bản cảm phục sự phong phú vật chất của Mỹ rồi tin tưởng vào Mỹ, Mỹ đã trọng dụng các học giả kinh tế học, các quan chức ngành kinh tế, để tuyên truyền quan niệm giá trị của chủ nghĩa năng suất: “Hãy học hỏi nước Mỹ giầu sang”. Nói cách khác, sau chiến tranh, năng suất đã trở thành một “chính nghĩa” như bình đẳng và an toàn vậy.

Mặt khác, MacArthur đã triệt để phủ nhận truyện thần thoại Thiên tôn Giáng lâm và “Tinh thần Nhật Bản”. Quân đội Mỹ đã cố tình tuyên truyền rằng Nhật Bản đã thua Mỹ vì kém về mặt vật chất. Lý luận này dễ cho người Nhật chấp nhận, vì họ đã chiến đấu dũng cảm mà vẫn thua, nên có thể chịu thuyết phục như vậy.

Tóm lại, MacArthur một bên trưng bầy nền văn hóa Mỹ lý tưởng hóa, bên kia để nguyên nền văn hóa cổ của Nhật, rồi tìm mỗi cách biến Nhật Bản thời hậu chiến thành một nước sùng bái Mỹ.

còn nữa….
| Designed by Colorlib