Notes on Kyoto and Japan

 Chủ nghĩa dân chủ đầu phiếu và nền tự trị địa phương trở nên trống rộng

Ảnh Douglas MacArthur trên chiến hạm ngoài vịnh Yokohama khi Nhật chính thức đầu hàng ngày 2/9/1945.

Ý đồ như kể trên (xin xem lại các phần trước) của MacArthur đã trở thành hiện thực như thế nào?

Kết quả có nhiều mặt: Chỗ thì đúng như ý muốn, chỗ thì không như ý muốn, có chỗ sau khi tiêm nhiễm tư tưởng MacArthur đã diễn ra phản ứng hóa học biến thành khác hẳn, v.v..

Trước nhất, về ngoại giao, ý đồ MacArthur đã hoàn toàn thành công. Từ sau MacArthur, và không kể từ sau năm 1991 trở đi, ngoại giao Nhật Bản chủ yếu là theo đuôi ngoại giao Mỹ. Chỉ có một lần duy nhất, nó hơi bị lung lay, là trong phong trào phản đối Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ năm 1960.

Ðối với Nhật Bản, sự phụ thuộc phe Tây phương đã mang lại lợi ích to lớn. Nhờ theo đuổi ngoại giao Mỹ đúng như MacArthur đã định, Nhật Bản đã được bảo đảm an ninh một cách ít tốn kém, có nguồn nhập cảng nguyên liệu và thị trường xuất cảng ổn định, như thế thực hiện được sự phát triển cao độ về kinh tế.

Trong thể chế chính trị, thì ý đồ của MacArthur về chủ nghĩa dân chủ kiểu đầu phiếu và nền tự trị địa phương, đã bị “trống rộng hóa” mau chóng, rồi biến thành kiểu tập quyền vào quan liêu ở trung ương.

Tự trị địa phương là do sự khuếch đại của tinh thần tự trợ cá nhân mà thành. Con người ta ai nấy đều tự mình giúp mình đi tìm hạnh phúc cho mình. Tinh thần tự trợ như vậy của cá nhân, nếu khuếch đại ra, chính là sự tự trị địa phương của Mỹ vậy.
Tự sức mình đi tìm hạnh phúc cho bản thân mình, chính là cách sống nguyên lai của con người ta. Do đó, tự mình đóng cửa cài then, tự mình xua đuổi trộm cướp, là tốt nhất. Nhưng, một mình đơn độc thì không chống lại trộm cướp được, nên phải thành lập đoàn dân phòng. Dân phòng không thôi không đủ hiệu quả, thì bỏ tiền thuê “quan bảo an”.

Như thấy trong những phim kịch cao bồi, sự khuếch đại của tinh thần tự trợ là quyền tự trị địa phương, rồi nhiều địa phương như vậy kết tụ lại thành bang, nhiều bang hợp nhất lại thành quốc gia. Ðó chính là Hợp chủng quốc Hoa kỳ. MacArthur trông đợi Nhật Bản cũng phát triển theo mô hình này.

Thế nhưng, tư tưởng tự trị vốn không nẩy sinh ra từ cư dân địa phương Nhật Bản. Hơn thế, trước đó nữa, tinh thần tự trợ cũng không có ở Nhật Bản. Truyền thống nông thôn trồng lúa của Nhật Bản vốn là chủ nghĩa tập thể. Vì thế, khi chính quyền địa phương hình thành theo chỉ thị của MacArthur, chúng liền biến thành cơ quan được chính phủ trung ương chia xẻ quyền hạn cho, nhận trợ cấp để đại lý quyền hành chính của nhà nước trung ương.

Trong cuộc tranh luận về sự phân quyền địa phương ngày nay, người ta cũng chỉ nhiệt tâm thảo luận vấn đề chính quyền địa phương sẽ được chia xẻ những quyền hạn gì và nguồn tài nguyên nào của nhà nước trung ương. Thậm chí, có câu nói “ba mươi phần trăm tự trị”. Thật ra, đừng nói gì tới ba mươi phần trăm, chính quyền địa phương thực ra chỉ muốn làm cơ quan thầu khoán cho khỏe khoắn. Nhật Bản xưa nay là nước mà mạc tướng ra lệnh cho các phiên tướng di chuyển từ đất này sang đất khác. Ở trong một nước có truyền thống tập quyền trung ương như thế, lý tưởng của MacArthur đã không nẩy nở được.

Tiếp đến, chủ nghĩa dân chủ kiểu đầu phiếu cũng không được như lý tưởng. Nghị viện (Quốc hội) đã không trưởng thành được về mặt quyền hạn, mà thực chất đã chỉ biến thành cơ quan môi giới nguyện vọng điều trần tới cửa quan.

Ở Mỹ, mỗi khi tổng thống hay quan chức trung ương làm điều bất chính, thì lập tức Nghị viện mở cuộc điều trần để điều tra. Làm chính trị là việc của Phủ lập pháp (Nghị viện), còn Phủ hành pháp (Chính phủ trung ương) chỉ thi hành cho đúng chính sách đó thôi. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thì tình trạng là ngược lại.

Trong Hiến pháp Nhật Bản, MacArthur chấp nhận Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, nhưng khác hẳn với ở Mỹ, ông cũng đồng thời nhìn nhận quyền đề xuất luật pháp của chính phủ. Vấn đề then chốt là ngân sách, thì chỉ có chính phủ mới có quyền đề xuất. Kỳ lạ thay, Hiến pháp Nhật Bản quy định “ngân sách là do chính phủ đề xuất”. Thậm chí không thấy viết “dự thảo ngân sách” mà viết thẳng thừng là “ngân sách”. Sự kiện quan chức chiếm ưu thế đã có từ thời Okubo Toshimichi (Chương VIII). Thế mà, nay lại để lại một chế độ chéo cẳng ngỗng như vậy, cho nên, sự tập trung quyền lực vào tập thể quan chức trung ương, là chuyện tất nhiên. Ở điểm này, sự kỳ vọng và dự đoán của MacArthur cũng đã bị phản bội.

“Thể chế năm 55” đánh đổ chính sách giải thể tài phiệt và giải phóng đất nông nghiệp.

Trên phương diện kinh tế, ý đồ của MacArthur về một xã hội cạnh tranh tự do giữa các trung tiểu xí nghiệp và tiểu nông tự canh tác cũng mau chóng trật đích. Thật ra, kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, ý đồ của Mỹ (MacArthur) đã đổi thành ý muốn Nhật Bản làm tiền đồn.

Sau khi thu hồi được độc lập, Nhật Bản dần dần trở lại thể chất “quan liêu chỉ đạo” và “quan dân đề huề” như Okubo Toshimichi (Chương VIII) và Shibusawa Ei-ichi (Chương IX) đã quan niệm. Trong kinh tế và giáo dục, “Thể chế Showa năm thứ 16 (1941)” đã sống lại.

Một điều “không may” cho MacArthur là tình trạng thiếu thốn vật chất của Nhật Bản trong thời kỳ bị chiếm đóng. Thời đó, mỗi thứ đều thiếu thốn. Từ thực phẩm, quần áo, tới giấy in báo nếu không được phân phát thì không in báo được. Do đó chế độ “bao cấp” đã không thể tránh được. Và vì vậy, MacArthur đã không thể hủy bỏ cơ cấu quan chức quan liêu thống suất được.

Quan chức quan liêu thống suất kiểu Nhật Bản là trước khi chỉ định xí nghiệp, họ để cho ngành nghề liên quan nói chuyện với nhau đã. Ở đây, hình thức hòa hợp (“phe phen”) kiểu Shibusawa Ei’ichi đã len vào. Ðiện lực là như vậy, may dệt cũng vậy, ngành nghề nào cũng vậy.

Vì thế, đoàn thể ngành nghề đã thành hình một cách kiên cố. Ðoàn thể ngành nghề như vậy “bám dính” vào bộ sở chủ quản, tìm cách cắt bỏ xí nghiệp nào không chịu tuân theo ý kiến của đa số. Từ đó phát sinh ra “thể chế hòa hợp trong đoàn thể ngành nghề dưới sự lãnh đạo của quan chức”. Xí nghiệp thực hiện sự hiện đại hóa hay đại quy mô hóa dưới sự lãnh đạo của quan chức. Quan chức một mặt hạn chế sự vào cuộc của xí nghiệp mới, mặt khác lấy tiền công quỹ đổ vào xí nghiệp cũ bằng mọi hình thức như đầu tư, cho vay, tài trợ, v.v..

Như trên, khác với ý đồ của MacArthur chỉ muốn Nhật Bản thành một quốc gia phân tán làm nhiều mảnh nhỏ cạnh tranh tự do với nhau, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế dưới sự lãnh đạo của quan chức. Trên thực tế, cái gọi là “thể chế năm 55” đã xác lập. Trong đó, đại xí nghiệp đã chỉ hình thành trong các ngành nghề chế tạo, chứ nông nghiệp và lưu thông hàng hóa thì vẫn ở trạng thái quy mô nhỏ. Do đó, ở mỗi địa phương đã hình thành đủ loại tập thể lớn nhỏ gom góp những thành phần nhỏ lại thành “đoàn tàu hộ tống”.

Từ đó, ngành nghề chế tạo, nhất là ngành nghề chế tạo đại trà theo quy cách, đã phát triển lớn mạnh. Ðến nỗi riêng các ngành nghề này thì số lượng xuất cảng ngày càng tăng. Họ đã có sức cạnh tranh quốc tế có thể chịu đựng được hối suất 1 đôla bằng 100 Yen. Thế nhưng, các ngành nghề duy trì quy mô sản xuất nhỏ như lưu thông hàng hóa, nông nghiệp, hay những ngành nghề được sự bảo hộ của nhà nước như xây dựng, vận tải, truyền thông, thì giá thành lên cao đến nỗi tỷ giá hối đoái lên tới từ 1 đôla bằng 200 Yen, có khi tới 400 Yen. Nghĩa là so với các nước Âu Mỹ và các nước châu Á khác, Nhật Bản đã trở thành một xã hội khác hẳn về chế độ giá cả.

Với ý nghĩa này, hầu như tất cả ý đồ của MacArthur về mặt kinh tế đều không thực hiện được điều gì cả. Cơ chế do MacArthur lập ra để biến Nhật Bản thành một nước có cạnh tranh tự do, như luật cấm độc quyền đã không hoạt động có hiệu quả. Giải thể nhóm tài phiệt cũng chỉ xong ở chỗ loại bỏ gia đình tài phiệt ra khỏi nhóm tài phiệt mà thôi.

Luật cấm độc quyền bị vô hiệu hóa ở chỗ quan liêu làm như không biết đến. Ủy ban giao dịch công chính mà có chủ tịch là cựu quan liêu Bộ Kho bạc thuyên chuyển xuống, sẽ không hoạt động hiệu quả nữa. Thậm chí, Bộ Thương nghiệp quốc tế và công nghiệp và Bộ Kho bạc đã công nhiên chỉ đạo vi phạm luật cấm độc quyền.

Việc giải phóng đất nông nghiệp và duy trì nền nông nghiệp quy mô nhỏ, cũng chỉ được một đời. Ðất thì khó vứt bỏ đi được. Vì thế, nông dân được cấp đất nhờ sự giải phóng đất nông nghiệp, vẫn tiếp tục canh tác quy mô nhỏ. Nghĩa là, Nhật Bản đã trở thành “Thụy Sĩ ở Viễn đông” với nhiều nông gia quy mô nhỏ. Ðây là mưu mô quỷ quái để cảnh giới không cho Nhật Bản tái vũ trang.

Thế nhưng, cùng với sự hoàn thành “thể chế năm 55”, mưu mô trên cũng bị thất bại.

Những nông dân quy mô nhỏ được cấp đất trước kia vẫn cố thủ đất đai và tiếp tục làm nghề nông, đúng như MacArthur nghĩ. Bộ Nông nghiệp cũng áp dụng chính sách ưu đãi tiểu nông. Nhưng, con cháu những nông dân này, sau khi tốt nghiệp trung học, đã đua nhau ra thành thị đi làm công nhân cho xí nghiệp. Thành ra, các tiểu nông trở thành già nua, đồng thời kiêm thêm nghề khác.

Hiện nay, những người làm nghề nông ở Nhật Bản tập trung ở lứa tuổi 60. Nghĩa là nông dân vào nghề trong vòng 20 năm từ sau chiến tranh, bây giờ vẫn làm nòng cốt cho nông nghiệp. Những người dưới tuổi họ vào nghề nông rất ít. Khôi hài thay, chính vì giới trẻ nông thôn ra tỉnh thành làm công nhân, mà những thói quen ít thông thoáng như chế độ sống lâu lên lão làng hay chế độ làm công suốt đời đã hình thành, có lợi cho sự khuếch đại kinh doanh của các đại xí nghiệp. “Thể chế năm 55” đã có lợi vô cùng cho xí nghiệp, vì nhờ đó họ đã có thể chỉ thuê lớp người trẻ tuổi thôi.

còn nữa….
update các phần trước.
Phần 1:
| Designed by Colorlib