Notes on Kyoto and Japan

 McArthur - Biến Nhật Bản thành một “nước Mỹ lý tưởng”

(update: Links đến các phần sau được cập nhật liên tục ngay cuối bài.)

Anh mình ở Bộ Tâm linh có viết như sau.

“Sau thế chiến 2, Mỹ chiếm Nhật. Thái thú của Mỹ trên đất Nhật là MacArthur.

Việc đầu tiên là Mỹ tiêm chủng cho 80 triệu dân Nhật, tất cả các bệnh, riêng đậu mùa còn tiêm hai mũi. Sau đó là in lại toàn bộ hàng trăm triệu sách giáo khoa cho học sinh Nhật.

Tiếp đó MacArthur yêu cầu Nhật viết hiến pháp. Cứ viết là ông xé vì không hài lòng. Cuối cùng ông tự lập tổ viết. Hiến pháp Nhật đọc thoáng qua như Hiến pháp Mỹ. Nhưng Văn Minh hơn. Là do tổ viết hiến pháp của Thái thú có một thiếu nữ Do Thái 22 tuổi tên là Beate Sirota. Cô gái này đưa vào hiến pháp Nhật rất nhiều thứ văn minh hơn hẳn hiến pháp Mỹ: cấm chiến tranh, cấm phân biệt chủng tộc, đảm bảo tự do học thuật, cấm tra tấn, và cho tất cả công dân quyền thụ hưởng “ở tiêu chuẩn tối thiểu một cuộc sống trọn vẹn và có văn hóa." và "bình đẳng trong hôn nhân và cấm phân biệt giới tính".

McArthur được coi là một trong số 12 người lập ra nước Nhật và ông là người ngoại quốc duy nhất. Mình sẽ post dần câu chuyện (viết bởi Sakaiya Taichi) của McArthur trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Nhật Bản.

Tốt nghiệp thủ khoa trường võ bị West Point

Xét nước Nhật hơn 50 năm sau chiến tranh, người ta sẽ thấy ảnh hưởng vô cùng lớn của quân đội chiếm đóng Nhật Bản như tượng trưng bởi MacArthur. Việc Douglas MacArthur, một quân nhân Mỹ có cá tính cương cường, tổng chỉ huy quân đội Liên hợp quốc, đã thống suất Ðại Bản doanh chiếm đóng Nhật Bản, là sự kiện đã mang lại ảnh hưởng không nhỏ cho nước Nhật ngày nay.

Trước nhất hãy kể lại lý lịch của nhân vật này.

Douglas MacArthur sinh năm 1880 tại Little Rock, bang Arkansas, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Arkansas cũng là bang xuất thân của Tổng thống Bill Clinton, và Little Rock là thủ phủ bang này. Cha, Arthur MacArthur, cũng là quân nhân lục quân, đã hạ sinh Douglas trong khi đồn trú tại Little Rock.

Như vậy, ông không là người miền Nam chính tông. Trong sách tự truyện, MacArthur đã dài dòng kể rằng tổ tiên mình thuộc dòng dõi danh gia thế phiệt Scotland. Sự kiêu hãnh về gia thế như vậy, đã ảnh hưởng tới ngôn từ và phong cách rất đặc trưng của ông.

Thời niên thiếu, cha ông đã giữ chức tổng tư lệnh quân đội đồn trú Philippines, lúc ấy mới trở thành thuộc địa của Mỹ. Vào cuối thế kỷ thứ XIX, Philippines đã được Tây Ban Nha cát nhượng cho Mỹ làm thuộc địa, do kết quả cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha.

Thời đó, Philippines chưa được khai phá mấy. Ðó cũng là thời kỳ người da trắng chiếm ưu thế và chủ nghĩa thực dân đang độ phát triển mạnh mẽ. Thiếu niên Douglas đã trưởng thành trong bối cảnh như vậy, với tư cách là con trai vị tổng tư lệnh quân đội đồn trú Philippines.

Douglas lớn lên, vào học trường Sĩ quan Lục quân Westpoint, rồi tốt nghiệp thủ khoa với thành tích ưu tú một cách kỷ lục. Trường võ bị West Point là nơi đã đào tạo ra hầu hết sĩ quan của lục quân Hoa Kỳ. Thế mà thành tích của Douglas đến nay vẫn còn được truyền tụng. Nghe nói, ông đọc nhiều biết rộng và có trí nhớ kinh dị.

Năm 1905, nhân cha ông trở thành võ quan quan sát cuộc chiến tranh Nhật - Nga, còn ông đã là sĩ quan trợ lý, và do đó đã ở Nhật một thời gian ngắn.

Ðến thời kỳ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, khi Mỹ tham chiến, ông đã đề nghị thành lập sư đoàn Rainbow (Cầu Vồng) gồm toàn binh sĩ đặc biệt tinh nhuệ. Ðề nghị được chấp thuận, ông đã đích thân làm tham mưu trưởng chỉ huy sư đoàn này. Tên Cầu Vồng là hàm cái nghĩa cầu nối giữa Mỹ với Âu châu và phô trương một sư đoàn tinh nhuệ như trong mộng. Nội việc đề xuất sự thành lập một sư đoàn tinh nhuệ, rồi đích thân đứng làm tham mưu trưởng, cũng đủ rõ cái ý thức êlít và ý muốn chơi trội như thế nào rồi.

Sau đó, năm 1919, ở tuổi 39, ông đã trở thành Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân và năm 1925, ở tuổi 45, ông đã được phong Trung Tướng (Major General). Cả hai chức danh trên đều là kỷ lục về độ tuổi thấp nhất. Ðiều này chứng tỏ ông là thành phần siêu ưu tú của lục quân Mỹ vậy.

Tuy nhiên, cần chú thích ít nhiều về Douglas MacArthur. Ðó là, giai đoạn hoạt động nhất của đời quân nhân của ông, tức là những năm từ 1925 tới 1930, lại rơi vào thời kỳ giải trừ quân bị và đại khủng hoảng kinh tế.

Từ thập niên 1920 sang thập niên 1930, do Hiệp ước Washington và Hội nghị giải trừ quân bị London, Mỹ đã cắt giảm quân số so với các nước khác. Chỉ trong thời gian ngắn, chi phí quân sự của Mỹ đã rút xuống tới khoảng một phần trăm của tổng sản phẩm quốc dân (GNP), nghĩa là chỉ tương đương với chi phí cho lực lượng phòng vệ của Nhật Bản ngày nay.

Hiệp ước Washington hạn chế số tàu quân sự. Nhật Bản thời đó, Anh quốc, và những nước khác cũng chịu sự hạn chế như vậy. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ Coolidge còn làm triệt để hơn, bằng cách bán chiến hạm đang đóng cho công ty điện ảnh, rồi cho quay phim cảnh đánh chìm. Ðối với quân nhân, thì đó không những là sự đau lòng về mặt kinh tế, mặt tổ chức, mà còn là sự nhục nhã về mặt tinh thần nữa.

Lục quân thì bị cắt giảm một số sư đoàn, võ khí quân trang cũng hầu như không được trang bị mới nữa. Toàn thế giới chìm đắm trong bầu không khí hòa bình, nơi nơi đua nhau ký kết hiệp ước bất chiến, lực lượng võ trang mỗi ngày một được thu nhỏ lại. Trong xã hội, địa vị quân nhân ngày một xuống thấp, cho nên, những phần tử ưu tú không còn gia nhập quân đội nữa.

Ở Nhật Bản còn có từ gọi thời đại này là “Thời giải giáp Taisho”. Người mặc quân phục vào cửa hàng liền bị chế giễu. Thậm chí, người ta còn nói “quân nhân thì không có ai chịu đến làm dâu cả”. Thời kỳ MacArthur hoạt động với tư cách là Trung Tướng, tham mưu trưởng, lại trùng với thời kỳ giải giáp dài hơn thời giải giáp ở Nhật Bản này, là điểm đáng chú ý.

Cha là quân nhân, bản thân mình cũng là quân nhân ưu tú đậu thủ khoa Trường Sĩ quan lục quân Westpoint, Douglas McArthur hẳn đã phải sống những ngày sầu muộn vì chí chẳng đạt.
còn nữa..

Links đến các phần sau trên facebook.
Phần 2: Ðoạt lại Philippines rồi chiếm đóng Nhật Bản
Phần 3: “Nước Mỹ lý tưởng” hay Thuỵ Sĩ Viễn Đông
Phần 4: Du nhập nền luân lý coi trọng bình đẳng và an toàn
Phần 5: Chủ nghĩa dân chủ đầu phiếu và nền tự trị địa phương
Phần 6: Sinh ra nguyên nhân băng hoại chế độ gia tộc
Phần cuối: Chính trị kiểu đế vương.
| Designed by Colorlib