Notes on Kyoto and Japan


 Là con người, ai cũng có đủ tính tốt và xấu, nên thực tế rất khó nhận định về tính cách của chính mình, của một người khác, huống chi là nói về tính cách của cả một dân tộc. Tuy vấn đề phức tạp và đôi khi mâu thuẫn, nhưng tôi cũng xin cố gắng đưa ra một số nét tiêu biểu của người Nhật.


Người Nhật là pha trộn của các dân tộc bản địa với người Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Mãn Châu, Eskimo... thuộc giống da vàng. Dáng người lùn mập, nhưng nay phát triển mạnh về chiều cao cũng như tuổi tho.. Theo thống kê năm 2000, chiều cao trung bình của phái nam là 171,3 cm và phái nữ là 158,4 cm. Theo thống kê năm 2003, tuổi thọ trung bình phái nam là 78,4 tuổi và phái nữ là 85,3 tuổi, là dân tộc gia tăng tuổi thọ nhanh nhất và nay đứng đầu thế giớị Họ rất khỏe mạnh, dẻo dai, ngay phụ nữ cũng có thể đứng làm việc cả ngày, nhiều người 70, 80 tuổi vẫn còn hăng hái làm việc, không phải tham tiền vì họ rất giàu, nhưng vì thích làm việc, đến độ thế giới gọi họ là "labor animal" (con vật lao động).


Đặc biệt phụ nữ thường ngực nhỏ, có người chân rất to, nên được gọi là chân "daikon" (大根, đại căn: củ cải, chân củ cải đối với Việt Nam thì đâu có gì gọi là to, nhưng đây là củ cải Nhật Bản, to gấp 3, 4 lần củ cải Việt Nam, tuy vậy hiện nay cũng ít người có loại chân này), cườm tay phụ nữ Nhật có thể lớn hơn cườm tay thanh niên Việt, đôi khi họ đeo đồng hồ đàn ông cũng vừạ Làn da phụ nữ thường láng mịn, người mình gọi là làn da trứng gà bóc, nhưng người Nhật cho là làn da "mochihada, bánh dầy" (餅肌, bính cơ), và đặc biệt bàn tay của đa số các cô thường nuột nà rất đẹp.


Về khuôn mặt người Nhật, theo các nghiên cứu y học mới đây cho thấy, đã có nhiều biến đổi trong một, hai trăm năm qua. Xem các tranh cổ, nhất là loại tranh thủ ấn họa nổi tiếng của Nhật Bản, thường thấy vẽ phụ nữ Nhật mắt hí một mí, lông mày mỏng, mũi tẹt. Ngày nay mắt họ khá lớn, lông mày rậm hơn, và mũi cũng cao hơn. Thêm một điểm nữa là xưa khuôn mặt vốn tròn, nay thì dài vì cằm của họ dài ra. Y khoa giải thích là thức ăn ngày xưa phải nhai nhiều; nhất là thời ba, bốn ngàn năm trước, số lần nhai gấp từ năm, mười lần so với các thức ăn mềm ngày naỵ Do vì nhai ít, bắp thịt cằm làm việc ít nên cằm bị trễ dần xuống. Một điểm khác nữa là người Nhật thường bị thiếu chất vôi (calcium), nên răng hay bị hư và cũng mọc khấp khểnh, nếu đi niềng cho đều sẽ tốn khoảng 5.000 đến 8.000 USD.


TÍNH CÁCH NGƯỜI NHẬT

Bà Ruth Benedict, một chuyên viên Nhân Chủng Học ở Đại Học Columbia đã biên khảo về tính cách người Nhật vào thập niên 40 để làm nền tảng cho chính sách đối ứng của Hoa Kỳ. Bà đã viết nhiều bản tường trình và đúc kết thành tác phẩm "The Chrysanthemun And The Sword" (菊と刀Tóm lại là sự tự giác chung vẫn luôn luôn cần sự hướng dẫn, giáo dục cụ thể để đáp ứng với hoàn cảnh và sự thay đổi của xã hội theo với thời đại.Kiku To Kitana = Hoa Cúc Và Thanh Kiếm). Theo bà: "Người Nhật vừa hung bạo vừa hiền hòa, vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng, vừa cứng ngắc vừa nhu nhuyễn, vừa trung thành vừa phản trắc, vừa can đảm vừa hèn nhát, vừa bảo thủ vừa cấp tiến... và chịu ảnh hưởng cùng lúc của Thần Đạo và tam giáo Nho, Phật, Lão...".


Những điều ấy thoạt nghe có vẻ chung chung, như có gì đó cũng giống người Việt hay các dân tộc khác, nhưng để ý kỹ, khi viết như thế, bà đã nêu bật được tính tích cực, đôi khi dẫn đến cực đoan ở cả hai thái cực của người Nhật. Như người Nhật trước và sau Thế Chiến Thứ 2 đi từ tàn bạo đến hòa bình, ngày xưa họ sẵn sàng chết thì ngày nay họ bảo vệ mạng sống bằng mọi giá, thể hiện qua chính sách của chính phủ cũng như từng người dân. Họ hiền tới độ đi ra nước ngoài thường bị những người không đứng đắn trấn lột, ăn hiếp. Có khi tôi liên tưởng đến hình ảnh những chú gà "nuôi giam", những con thỏ "nhà", dù được thả ra thì lúc nào cũng chậm chạp, không quen đối phó với các bất trắc bên ngoài.


Họ có tinh thần thực dụng và mạo hiểm rất cao, đã tự đi du học và khéo léo đãi lọc văn minh, văn hóa Trung Hoa, mà không du nhập từ chương và khoa cử. Khi thấy những nền văn minh văn hóa rực rỡ ở Âu-Mỹ, họ cũng đã tìm tới học hỏi, làm giàu thêm cái vốn đã rất phong phú của họ, thể hiện song hành tính bảo thủ và cấp tiến. Tất nhiên khi trào lưu Âu-Mỹ tràn tới đất Phù Tang, thì ít nhiều họ cũng mất đi phần nào bản sắc riêng.


TINH THẦN KỶ LUẬT ĐI ĐÔI VỚI GIÁO DỤC

Người Nhật nổi tiếng là có kỷ luật, cho dù sự kỷ luật đó bắt nguồn từ hoàn cảnh sinh sống khó khăn, từ việc nghĩ tới lợi ích chung hay từ văn hóa v.v... đã trở thành như tự giác, nhưng không phải cứ thế thì 100% con người trong xã hội này sẽ trở thành kỷ luật. Mà những người làm luật, những đoàn thể... đều phải suy tính, ghi ra rất chi tiết các quy luật và phổ biến rộng rãi để mọi người tuân theo.


Những nơi sinh hoạt công cộng luôn thấy đầy những bảng hướng dẫn, thông báo. Cứ nhìn mặt đường của Nhật thì rõ, đâu đâu cũng trắng xóa các lằn kẻ phân luồng xe chạy. Ở những nơi đông đảo hay dễ gây tai nạn, mặt đường còn được sơn màu cam hay đỏ, sơn tráng loại đá răm... để xe chạy không bị trượt. Ngoài ra còn lót những tấm nhựa chỉ đường và loa phát nhạc báo cho người mù ở một số chỗ băng ngang đường. Tiền giấy cũng có dấu hiệu nổi đặc biệt, ở ga xe điện thì dán bảng ghi bằng chữ nổi dành cho người mù để có thể tự mua vé... Quanh các trường Tiểu Học thì thường có người cầm cờ hướng dẫn các em nhỏ qua đường.


Người Nhật nổi tiếng là dặn dò chi tiết nhất so với các dân tộc khác. Xe điện lúc nào cũng thông báo mở cửa bên nào, xin lưu ý đừng để quên hành lý, khi bước ra coi chừng khoảng cách giữa toa xe và thềm ga…


LỄ NGHĨA - LỊCH SỰ

Ai cũng thấy là người Nhật rất lễ nghĩa, chào nhau không phải một lần mà đôi khi năm lần bẩy lượt. Ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, không phải lúc nào cũng to tiếng như chửi nhau như giữa lính Nhật thời Thế Chiến Thứ 2 với nhau hay với người bị họ thống tri.. Trừ một số giới trẻ ăn mặc lố lăng, người đi làm đều ăn mặc lịch sự, nhìn ngoài đường không thể nào đoán được họ làm việc gì, áo quần luôn sạch sẽ, khi vào nơi làm mới thay quần áo làm việc lao động, nên đôi khi chỉ là nhân viên làm vệ sinh, đổ rác.


Phái nam Nhật hầu như không có chuyện thấy người đẹp lạ ngoài đường mà hút gió, ngỏ lời tán tỉnh, chọc ghẹo... Hầu như không có chuyện không quen mà lẽo đẽo theo nàng về tới nhà rồi trồng "cây si" luôn. Nhưng bạn với nhau thì giữa nam nữ lại có vẻ gần gũi, tự nhiên hơn người Việt. Đi nhậu chung mà nếu một bên say thì bên kia sẵn sàng dìu về. Vì vậy, đôi khi người Nhật kết hôn trễ, có tới khoảng 50% phải nhờ người giới thiệu, gọi là "miai" (見合, kiến hợp).


Phụ nữ được khen đẹp thì chắc là ai cũng thích, nhưng phụ nữ Nhật thì mắc cở, tỏ thái độ khiêm tốn và thường nói: "Cám ơn", còn phụ nữ Việt "đáo để" hơn, thường trả lời: "Sạo", "Đừng có nịnh"... còn người lạ mà khen, có khi bị lườm quýnh cho một phát rồi nói: "Vô duyên".

Nhật Bản có Ngày Tình Yêu (Valentine), là ngày 14 tháng 2. Theo truyền thống Á Đông, trong truyền thuyết Nhật cũng từng nói tới chuyện có vị thần phái nữ tỏ tình với vị thần phái nam trước, nhưng cho là chuyện không nên, nên phái nữ lúc nào cũng ở thế bị động, khó kiếm chồng. Vì vậy, Ngày Tình Yêu là ngày phái nữ tặng quà cho phái nam, thường là chocolate để phái nữ có cơ hội mạnh dạn lên tiếng. Còn khi hai bên quen nhau thân thì phái nam không những tặng hoa hồng mà còn tặng quà và phái nữ cũng tặng quà ngược lại nhưng không tặng hoa. Việt Nam cũng có ngày này, nhưng phái nam thường tặng phái nữ hoa hồng để tỏ ý thích.


Ngày Trắng (White Day), là ngày 14 tháng 3, phái nam tặng quà đáp lễ cho phái nữ, thường là kẹo. Ở Việt Nam không có ngày này.


Phái nữ Nhật Bản dường như không bỏ lỡ cơ hội "vùng lên" để kiếm chồng này, nên họ chờ ngày 14/2 để "mượn quà thay lời" và mong ngày 14/3 để xem phái nam đáp ứng như thế nào. Phong trào mới chỉ mươi năm nay mà đã như một truyền thống lâu đời ăn sâu trong tâm trí và được hưởng ứng nồng nhiệt. Dịp này phái nữ ào ào đi mua chocolate như bão táp với sự tiếp tay kiếm lời rất đắc lực của các cửa tiệm thương mại. Sở dĩ phái nữ phải làm như vậy bởi đa số phái nam Nhật Bản "cù lần", không biết "tán gái".


Phái nữ Nhật đâu có e dè kiểu thiếu nữ Việt Nam, như trường hợp cô Phan Thanh Tình, 17 tuổi, học sinh Trung Học cấp 3 ở Sài Gòn, trong chương trình "Ajia No Junjo" (アジアの純情, Thuần Tình Của Á Châu) của đài TV Fuji số 8 ngày 2 và 10/2/2004. Cô Tình thích một bạn trai cùng trường, cũng là anh ruột của bạn gái mình. Chuẩn bị cho ngày hẹn hò, cô không dám ngỏ lời nên muốn gởi gấm tâm tư qua món quà. Cô bèn đi mua đồ thêu, về cặm cui đêm khuya, thêu trên khăn chữ "I LOVE YOU". Hôm hẹn hò, vì còn mắc cở nên có cả bạn gái đi theo. Sau cả buổi đi chơi, ngồi cạnh nhau, cuối cùng sau lúc chia tay, món quà ấp ủ bao nhiều tình cảm, ước mơ... vẫn để trong túi không dám đưa ra.


Ngược lại, vài phụ nữ Nhật còn độc thân thẳng thẳn yêu cầu tôi giới thiệu bạn trai người Việt, nhưng tôi không dám vì sợ phiền phức sau nàỵ


Họ rất điềm tĩnh trong ứng xử, ít nổi nóng, nhưng khi nổi nóng thì cũng khó can lắm, mà cũng chẳng mấy khi họ can nhau. Tôi đã chứng kiến sinh hoạt các câu lạc bộ thể thao ở Đại Học. Đàn anh thường đì đàn em với một thứ kỷ luật huấn nhục, không phải chỉ trong một tuần mà gần như suốt thời trẻ, có khi kéo dài cả đời nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Người Việt dường như rất khéo léo trong việc la mắng, tuy đôi khi nói bóng gió, nhưng khi la mắng thì nói thẳng vào chỗ sai quấy (tất nhiên có khi chỉ là chủ quan) nhiều hay ít tùy theo lỗi nặng hay nhe..


Còn với người Nhật, khi rầy la, nhiều khi không nói thẳng và cụ thể nên người bị la không hiểu người la muốn gì mà la rất nặng và rất dai, bất chấp thể diện người đối diện. Có khi mới sáng ra, ông chủ vào hãng là la toáng lên, mà có khi la chung chung kiểu nói: "Mọi người làm cái gì vậy", "Đồ cà chớn!", "Không ai chịu làm việc!"... La kiểu này thì không ai biết là ông ta nói gì và muốn gì, nhân viên thì cứ im lặng nghe rồi giải tán, vẫn làm việc như thường, nếu ấm ức quá thì hết giờ làm việc rủ nhau ghé quán nhậu làm vài ly rượu cho nguôi.


Như thường thấy những phóng sự trên TV, có những ông thầy "truyền nghề" nấu mì..., đệ tử sau nghe lời chỉ dẫn, làm xong món ăn đưa lên, ông chỉ liếc qua không cần thử là nói liền: "Như vầy mà đem bán à!?". Thế là đổ ụp vào thùng rác. Ông thầy tiếp tục chửi cho một lúc như tát nước rồi bắt làm lại, đệ tử im phăng phắc nghe chửi, lo đi làm lại mà không biết phải sửa chỗ nào, lâu lâu ông thầy mới chỉ khuyết điểm và bắt làm đi làm lại cả chục lần. Và tuy vậy, thường chỉ có độ 30% là được cấp bằng thôi. Ý của ông thầy là phải tập cho nhuần nhuyễn và chú ý từng chi tiết nhỏ nhất, từ cách rửa xương, rửa rau, nhúng mì, nêm gia vị, trình bày... Với lối dạy này, tôi thấy nhiều đệ tử lớn tuổi có khi ở lớp 50 hay 60, muốn có một nghề làm ăn tự lập đã phải khóc ròng! Còn các trường dạy nghề bình thường thì thu học phí nên chiều học sinh hơn, không dám quá nặng lời như vậy.


Các huấn luyện viên thể thao cũng vậy, luôn miệng la mắng rất nặng các tuyển thủ (vận động viên). Tuyển thủ nào cũng phải nói là huấn luyện viên rất nghiêm khắc, nhưng hầu hết họ chấp nhận, chỉ biết gật đầu làm theo vì họ ý thức rằng muốn tranh đua với người khác hay thế giới thì không cách nào khác hơn là nghe sự hướng dẫn và khổ luyện. Tôi thầm nghĩ chắc chắn là hiếm có người Việt nào có thể chịu đựng những sự la mắng như vậy. Đó là lý do chính giải thích tại sao chẳng có mấy người Việt tham gia trong các câu lạc bộ thể thao Nhật.


Trong công sở, tư sở và các hãng xưởng cũng vậy. Cấp trên la mặng cấp dưới rất nặng, bất chấp thể diện người bị la mắng, làm cho nhiều khi người ngoài thấy rõ sự khúm núm, sợ sệt của cấp dưới. Và trong nhiều trường hợp cấp dưới thi hành mệnh lệnh mà không cần suy nghĩ gì cả, như chỉ cốt làm vừa lòng cấp trên ! Họ cũng rất trọng chủ nghĩa "bái kim拝金" (quá trọng đồng tiền), nên sống có hai mặt, với nhân viên thì gắt gao, mà với khách thì cởi mở, ngọt ngào. Đó là cái giá mà người Nhật đã phải trả để xã hội ổn định và phát triển. Mỗi người phải chịu khép bớt phần đòi hỏi tự do của mình.


Tuy nhiên, trong sinh hoạt bình thường như các nhóm bạn hay hội tự trị.... thì họ đối xử với nhau thân thiện và bình đẳng hơn. Đặc biệt người Nhật rất chịu khó hội họp, phát biểu ý kiến và ghi chép khá cẩn thận. Các buổi họp thường kéo rất dài, hầu hết mọi người nắm vững vấn đề rồi mới thi hành.


Khi đánh nhau, người Nhật ít can gián hơn người Việt. Tôi đã chứng kiến cảnh đàn anh đánh đàn em, hay bạn nam sinh đánh nhau rất hung bạo và kéo dài mà những đồng bạn khác vẫn đứng nói chuyện tỉnh bơ, có khi có cả con gái trong đó cũng vậy. Đầu thập niên 70, đã từng có lần trong câu lạc bộ võ Đại Học Takushoku (拓殖, Thác Thực), khi một đàn em xin ra, đã phải đấu một vòng với mọi người và bị đánh chết. Trường hợp này, pháp luật không trừng trị nặng, vì coi đó là một tập quán trong văn hóạ Các đàn em sợ đàn anh hơn cha mẹ, với đàn anh thì bảo sao cũng nghe, không cần phán đoán đúng sai, còn ở nhà thì hay cãi lại cha me.. Hầu như không có chuyện đàn em đánh lại đàn anh, cũng không về mách gia đình hay kéo bạn bè tới trả thù, coi như chuyện trong câu lạc bộ là tự mình gánh trách nhiệm. Có điều, tuy vậy mà họ ít thù vặt và thù dai. Người Việt mà thấy bạn bè cãi nhau hay đánh nhau thường can gián ngay, còn chuyện ai phải ai trái không quan trọng, tính sau.


Các bà mẹ Nhật dạy cho con tính tự lập từ khi chúng mới biết đi. Bà mẹ đi trước, con đi sau, nếu con vấp ngã, kêu khóc, bà mẹ vẫn đứng phía trước chờ chứ không chạy lại đỡ như người Việt. Đứa bé khóc mãi không được mẹ lại đỡ đành đứng dậy đi theo. Cha mẹ chiều con và trẻ em Nhật được tự do, tự lập gần như Âu-Mỹ. Chúng tự quyết nhiều, khoảng 13, 15 tuổi là cha mẹ không được xâm phạm vào đời tư của chúng, không được truy hỏi thành tích học hành ở trường ra sao... Nhưng đôi khi vì chưa đủ trí khôn, chúng làm theo bản năng và bạn bè rủ rê, hay nhất là bị đứa lớn ăn hiếp bắt làm bậy, nên cũng gây ra nhiều tệ trạng, đến khi cha mẹ biết được thì đã trễ rồi.


Tác giả Đỗ Thông Minh

| Designed by Colorlib