Notes on Kyoto and Japan

Frank Lloyd Wright và cú lừa Ukiyo-e



Nếu như Steve Job là một người mê sưu tập Tân bản họa (1), thì trước đó, Frank Lloyd Wright (FLW) lại đam mê và sưu tầm ukiyo-e. 

Ảnh hưởng của Hiroshige, một tên tuổi lớn về ukiyo-e cùng với Hokusai, lớn tới mức FLW thể hiện qua thiết kế khách sạn đế quốc Tokyo, The Imperial Hotel Tokyo, khách sạn sang trọng bậc nhất Tokyo. 

FLW mê ukiyo-e đến mức sau này thu nhập của ông phần lớn là nhờ bán tranh ukiyo-e chứ không phải thiết kế kiến trúc.  

Ukiyo-e, Phù Thế Hội, là một trường phái hội họa phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XVII tới thế kỷ XIX tại Nhật Bản, và được yêu mến như một hình thức giải trí đại chúng của người dân.

Ukiyo-e là trung tâm trong sự hình thành nhận thức về nền nghệ thuật Nhật Bản của người phương Tây trong những năm cuối thế kỷ 19–đặc biệt là những bức tranh phong cảnh của #Hokusai và #Hiroshige.  

Từ thập niên 1870, chủ nghĩa Nhật Bản đã trở thành một xu hướng nổi bật và có một ảnh hưởng mạnh mẽ trên các nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng thời kỳ đầu như Degas, Manet và Monet, cũng như các nghệ sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng như van Gogh (2). 

Một trong những sự cố khét tiếng về sưu tầm ukiyo-e xảy ra vào năm 1919, FLW tới Nhật đã mang về một số lượng khổng lồ khoảng 1500 bản in ukiyo-e, một số trong đó đã được bán cho các nhà sưu tập có tiếng ở Mỹ. Tuy nhiên, Metzger, cũng là một nhà sưu tập sành sỏi, phanh phui bê bối này khi phát hiện rất nhiều bản in trong số FLW mang từ Nhật về là hàng fake.

Lúc bấy giờ tại Nhật, do nhu cầu sưu tập các bản in ukiyo-e lên cao, một đại lý tranh của Hayashi Kyugo câu kết với một nhà sưu tập trong nước là Takamizawa Enji (1870-1927) đã thuê các nghệ nhân có tay nghề cao chế lại các bản in gỗ, làm cho chúng mờ đi cho có cảm giác như là đồ thật. 

Các bản sao của Takamizawa thỉnh thoảng vẫn xuất hiện, khi làm ra các bản sao chúng được in bằng chất tạo màu và kỹ thuật nhằm bắt chước vẻ ngoài của các bản gốc cũ. Các bản in trông thật đến mức những người sành sỏi nhất cũng khó có thể phát hiện ra.

Một trong những tác phẩm bị nhái, chân dung Nakamura Noshio của Katsukawa Shunshô vẽ năm 1773, trong bản nhái không còn khung cửa sổ tròn cùng phần nền như trong bản gốc. 

Bản gốc được trưng bày tại Viện Nghệ thuật Chicago; Bảo tàng Sackler, Đại học Harvard; và Bảo tàng Guimet, Paris. 


©archivu

| Designed by Colorlib